Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet, xử lý ra sao?

Hiện nay, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng ngày càng nhiều với thủ đoạn ngày càng tinh vi (giả danh công an, tòa án, trúng thưởng…). Khi tố giác loại tội phạm này, người dân gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp hình ảnh, video

* Khi tố giác loại tội phạm này, người dân gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp hình ảnh, ghi âm, video… có chứa nguồn thông tin của hành vi phạm tội, là một trong những quy định cần có trong hồ sơ tố giác.

Đề nghị ngành công an phải tăng cường trấn áp các loại tội phạm trên, đồng thời xem xét giảm bớt các thủ tục, hồ sơ phải có như hình ảnh, ghi âm, video… có chứa nguồn thông tin của hành vi phạm tội nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong tố giác tội phạm.

* Bộ Công an trả lời như sau:

Trước diễn biến phức tạp của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet, Bộ Công an đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25-5-2020 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đồng thời chỉ đạo triển khai kế hoạch chuyên đề phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này (từ năm 2020 đến nay, đã phát hiện, xử lý hơn 5.600 vụ, hơn 5.600 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản).

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo qua mạng dự báo diễn ra phức tạp và ngày càng tinh vi.

Để tiếp tục đấu tranh, phòng ngừa hiệu quả các loại tội phạm này, Bộ Công an đã và đang chỉ đạo toàn lực lượng đẩy mạnh công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, tổ chức đấu tranh, điều tra xử lý nghiêm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản (nhất là lừa đảo qua mạng), tập trung một số giải pháp sau:

1. Chủ động phối hợp với các ban, ngành, cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân; thường xuyên thông báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet, giúp người dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tích cực tố giác tội phạm.

2. Phối hợp với các ban, bộ, ngành, nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát phát hiện và khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong những lĩnh vực thường xảy ra tội phạm lừa đảo như: lĩnh vực đầu tư, huy động vốn, kinh doanh bất động sản, kinh tế số, cho vay qua ứng dụng (app), vay ngang hàng (P2P Lending), thanh toán điện tử, trung gian thanh toán, hoạt động trên không gian mạng (tài khoản mạng xã hội, thương mại điện tử, mua bán, kinh doanh tiền ảo, tiền điện tử, huy động tài chính, đầu tư theo mô hình đa cấp…), quản lý chặt chẽ thuê bao điện thoại di động…

Chủ động phối hợp với các ngân hàng phong tỏa tài khoản, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và phối hợp với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông để phát hiện, truy vết tội phạm.

3. Triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý chặt chẽ các đối tượng trọng điểm hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet; chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tổ chức điều tra, xác minh, đấu tranh, xử lý nghiêm đối với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet.

4. Chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương chấp hành nghiêm quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, thông tư liên tịch… giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Bộ Công an sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành nghiên cứu, tổ chức các hình thức khác nhau (đường dây nóng, hộp thư tố giác…), tạo thuận lợi cho người dân trong cung cấp thông tin, tố giác tội phạm nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet nói riêng.

Tin Mới Nhất