TPHCM dự định xây dựng nhóm các doanh nghiệp lớn

Với hơn 500.000 doanh nghiệp trên địa bàn, Thành phố Hồ Chí Minh đang tính toán xây dựng nhóm các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp dẫn đầu Thành phố để hỗ trợ phát triển.

Nhiều cơ hội để doanh nghiệp đầu tư tại TPHCM và Đông Nam Bộ - Ảnh 1.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nêu 3 mục tiêu: Thúc đẩy sự phát triển của giới doanh nhân, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp địa phương; Mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư trong nước và quốc tế; Xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, phát triển theo hướng xanh và bền vững – Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Chiều 11/2 tại TPHCM, lần đầu tiên Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức buổi gặp gỡ Xuân Quý Mão năm 2023.

Tham dự buổi gặp gỡ có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cùng lãnh đạo 6 tỉnh thành phố Bà Rịa -Vũng Tàu, Long An, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai và các doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu năm 2022.

Dư địa rất lớn cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh

Báo cáo đánh giá thực trạng môi trường kinh doanh các tỉnh Đông Nam Bộ của VCCI cho biết so với cả nước, năm 2022, TPHCM và 6 tỉnh trong vùng hiện đang đóng góp khoảng 32% GDP; 40% vốn đầu tư nước ngoài thu hút mới; 35% kim ngạch xuất khẩu; 37% thu ngân sách (riêng TPHCM: 26,5%); 57% số khu công nghiệp…

Đây cũng là khu vực tập trung các công trình hạ tầng giao thông quan trọng như sân bay, cảng biển, cửa khẩu, cùng với đó là khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm 49,2% tổng số doanh nghiệp logistics của cả nước.

Cũng theo đánh giá của VCCI, các địa phương trong vùng đóng vai trò rất quan trọng với nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, nếu so với những năm trước đây thì tầm quan trọng  của vùng đang suy giảm trước sự vươn lên của những khu vực kinh tế khác trong nước.

Cụ thể, tỉ trọng đóng góp về kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách của vùng đang trong xu thế giảm trong những năm gần đây. Vùng Đông Nam Bộ đang gặp những điểm nghẽn về hạ tầng, cơ chế chính sách…, gây cản trở lớn đến tăng trưởng kinh tế của vùng. Trong đó, hạ tầng giao thông chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế, cả đường bộ, đường thủy và hàng không. Các dự án được quy hoạch mang tính kết nối liên vùng như đường cao tốc và đường vành đai đều chậm triển khai…

Sự phát triển của các địa phương cũng gặp khó khăn do tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng; vấn đề giải quyết thủ tục về thuế (giai đoạn quyết toán thuế) và đất đai (thời gian xử lý hồ sơ đất đai kéo dài hơn quy định) gây nhiều phiền hà cho các doanh nghiệp; chi phí không chính thức còn phổ biến trong giải quyết thủ tục hành chính…

VCCI kiến nghị trong năm 2023 và các năm tới, các địa phương cần tập trung tháo gỡ, đặc biệt là thúc đẩy liên kết vùng một cách toàn diện, với ưu tiên trước mắt là phát triển cơ sở hạ tầng.

Nhiều cơ hội để doanh nghiệp đầu tư tại TPHCM và Đông Nam Bộ - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Với hơn 500.000 doanh nghiệp trên địa bàn, TPHCM đang tính toán xây dựng nhóm các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp dẫn đầu Thành phố để hỗ trợ phát triển- Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã thông tin về 6 đề án lớn của TPHCM tới đây. Đó là xây dựng trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế; xây dựng cơ chế và hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM; xây dựng TPHCM trở thành trung tâm kết nối sàn giao dịch công nghệ, từ đó kết nối với trung tâm đổi mới sáng tạo; xây dựng cảng trung chuyển container tại Cần Giờ; hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc theo vành đai 3 và 4, kết hợp xây dựng các tuyến cao tốc giữa TPHCM với Mộc Bài, Chơn Thành, mở rộng các tuyến cao tốc đi Long Thành, và Trung Lương – Mỹ Thuận; phát triển chuỗi công nghiệp, đô thị Mộc Bài – TPHCM – Cái Mép.

Cùng với hàng loạt dự án khác mà TPHCM đang đẩy mạnh triển khai, ông Phan Văn Mãi cho rằng đây là dư địa rất lớn cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh.

Chủ tịch UBND TPHCM cho biết nhiều chính sách đột phá và vướng mắc, khó khăn đang được các cơ quan chức năng tháo gỡ và mong cộng đồng doanh nhân chung tay thực hiện hiệu quả các đề án nói trên. Với hơn 500.000 doanh nghiệp trên địa bàn, Thành phố đang tính toán xây dựng nhóm các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp dẫn đầu Thành phố để hỗ trợ phát triển.

Tại cuộc gặp, nhiều doanh nghiệp thẳng thắn nêu ý kiến, phân tích những thuận lợi, khó khăn, hạn chế, bất cập mà TPHCM và các tỉnh trong vùng gặp phải và đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ, đóng góp vào sự phát triển của các địa phương.

Nhiều cơ hội để doanh nghiệp đầu tư tại TPHCM và Đông Nam Bộ - Ảnh 3.

Buổi gặp gỡ xuân Quý Mão năm 2023 do VCCI tổ chức – Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

3 mục tiêu của VCCI

Tại sự kiện, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng đất nước khép lại năm 2022 với nhiều thành tựu, kết quả nổi bật. Nổi bật là tăng trưởng kinh tế đạt hơn 8%, quy mô GDP Việt Nam hiện đứng thứ 37 thế giới và lần đầu tiên vượt mốc 400 tỷ USD. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục lớn mạnh khi có thêm 150.000 doanh nghiệp mới thành lập, tăng hơn 30% so với năm 2021.

Theo ông Phạm Tấn Công, từ Đại hội VCCI lần thứ VII vào tháng 12/2021, VCCI đã có tầm nhìn và chiến lược hoạt động mới, gắn với mục tiêu xây dựng cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh, quốc gia thịnh vượng. Cụ thể, đã xây dựng và trình Bộ Chính trị Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam; khởi xướng chương trình xây dựng, lan toả đạo đức, văn hoá kinh doanh quốc gia với bước đi đầu tiên là xây dựng, công bố và phát động thực hiện bộ 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam.

VCCI đã đề xuất và triển khai sáng kiến kết nối kinh tế trục cao tốc phía đông, tạo liên kết kinh tế tiểu vùng 4 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh,… Bên cạnh đó, các hoạt động khảo sát, đánh giá xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI; đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững Việt Nam; các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ doanh nhân nữ, hỗ trợ hội nhập kinh tế quốc tế,… tiếp tục góp phần thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, dẫn dắt sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp.

Để phục vụ nhu cầu phát triển của doanh nghiệp và các địa phương tốt hơn, thời gian tới VCCI tập trung đẩy mạnh hợp tác với các địa phương để cùng thực hiện 3 mục tiêu: Thúc đẩy sự phát triển của giới doanh nhân, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp địa phương; Mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư trong nước và quốc tế; xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, phát triển theo hướng xanh và bền vững.

Ngay trong năm 2023, sẽ có các chương trình xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư do VCCI tổ chức tại các thị trường trọng điểm là Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ và VCCI sẵn sàng hỗ trợ riêng các địa phương có nhu cầu tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư ở nước ngoài…

Chủ tịch VCCI cũng cảm ơn lãnh đạo TPHCM cùng 6 tỉnh khu vực đã quan tâm, tạo điều kiện cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp địa phương cũng như ủng hộ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến địa phương kinh doanh và đầu tư.

Với việc tổ chức hội nghị này tại địa bàn kinh tế quan trọng nhất của cả nước, ông Phạm Tấn Công cho rằng VCCI khẳng định cam kết phối hợp cùng TPHCM và các địa phương khu vực trong phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời cùng thúc đẩy sự phát triển, nâng cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực.

Mạnh Hùng

Tin Mới Nhất